Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

5 khiếm khuyết ứng viên cần tránh xa

                                                                              – Chia sẻ từ độc giả Bùi Lan –

Trong một thế giới lý tưởng, tôi mong muốn không bao giờ phải gặp lại những trường hợp ứng viên như sau. Mong HR Insider hãy gửi bài viết này đến người tìm việc để họ biết và cải thiện bản thân mình, để những nhà tuyển dụng như tôi đỡ phải khổ sở sàng lọc những ứng viên kém chất lượng.


Ứng viên không biết viết email

Tôi KHÔNG BAO GIỜ đọc những email gửi CV mà không hề có một dòng giới thiệu đi kèm. Hiện nay, hầu hết nhà tuyển dụng chúng tôi không ưa chuộng những email cover letter dài ngoằng, vì chúng tôi cũng không có thời gian để đọc hết. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng tôi muốn một email ứng tuyển trống trơn, chỉ với tập tin đính kèm. Những ứng viên liên lạc với tôi qua email đều được tôi trả lời lại, chỉ trừ những người bỏ cho tôi một cái email “trống vắng” như vậy, tôi sẽ xóa ngay lập tức mà không cần mở CV của họ lên. Vì tôi biết, những người không có ý thức viết một nội dung email tử tế thì cũng chẳng có ý thức làm được việc gì một cách chỉn chu.

Ứng viên viết CV trong 15 phút

CV là thứ vô cùng quan trọng. Tôi luôn nhấn mạnh điều này khi viết Job Description: tôi cần một hồ sơ ứng tuyển với thông tin rõ ràng và đầy đủ. Điều đáng thất vọng là nhiều ứng viên đã không đọc được điều này. Họ gửi cho tôi những CV sơ sài như là được chỉnh sửa từ những bản CV mẫu từ thập niên trước. Họ thậm chí còn chẳng thèm format CV một cách đàng hoàng, các đầu dòng lệch lạc với nhau, cách dòng vô tổ chức. Thậm chí có những bạn gửi CV sai chính tả, câu cú thiếu chữ, mất chữ mà họ cũng chẳng buồn xem lại. Thậm chí có người còn gửi CV cũ chưa cập nhật từ năm 2014. Họ có thể tốn 15 phút để viết và gửi những CV tồi tệ như thế, nhưng tôi đã mất rất nhiều giờ đồng hồ để suy nghĩ về sự hời hợt của họ khi tìm việc.

Ứng viên không biết mình đang tìm kiếm công việc gì

Tôi thực sự không hiểu vì sao có những ứng viên khi vào đến vòng phỏng vấn mà vẫn không biết chính xác vị trí mình đang ứng tuyển là gì. Khi hỏi đến thì họ trả lời qua loa, có khi còn nói sai tên vị trí ứng tuyển. Tôi hiểu ứng viên có thể đang phải phỏng vấn với nhiều nhà tuyển dụng khác nhau, nhưng một khi đã đồng ý bước vào phỏng vấn trực tiếp, xin hãy có một chút tôn trọng chúng tôi – những nhà tuyển dụng, và hãy nghiên cứu trước về công việc bạn đang ứng tuyển. Có ứng viên tham gia phỏng vấn chỉ để … tìm hiểu xem công việc này là gì, trong khi job description tôi đã viết rất đầy đủ tất cả những thắc mắc của bạn ấy. Chúng tôi không muốn tốn thời gian vô ích vào những ứng viên mù mờ về chính công việc mình đang ứng tuyển.

Ứng viên thích “diễn thuyết”

Nhà tuyển dụng chẳng bao giờ thích những ứng viên “im thin thít” suốt buổi phỏng vấn, hỏi mãi mà cũng chẳng trả lời được điều gì. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ thích những ứng viên thao thao bất tuyệt. Chúng tôi tìm ứng viên phù hợp cho công việc, chứ không tìm những nhà diễn thuyết tồi. Khi nhà tuyển dụng hỏi một điều gì, các ứng viên hãy trả lời thẳng vào vấn đề, càng ngắn gọn càng tốt. Rất nhiều ứng viên có suy nghĩ rằng nói nhiều nghĩa là nói hay, và nói càng nhiều thì càng gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Trong thực tế, bạn càng dông dài, văn tự và lan man thì càng bộc lộ ra những điểm yếu của mình. Một ứng viên thông minh sẽ rất kiệm lời và chỉ trả lời đủ ý để thể hiện các kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân. Bạn càng nói nhiều những thứ vô nghĩa thì càng cho thấy bạn đang khỏa lấp đi sự yếu kém của mình.

Ứng viên “bất thình lình”

Tuyển dụng ở Việt Nam gặp rất nhiều trường hợp “bất thình lình”. Chiều có lịch hẹn phỏng vấn, cuối buổi sáng ứng viên “bất thình lình” viết email thông báo hủy phỏng vấn. Hoặc có ứng viên còn “bất thình lình” biến mất mà không hề báo trước, khiến nhà tuyển dụng chúng tôi phải ngồi chờ dài cổ. Phỏng vấn xong xuôi rồi thì đến khâu tuyển được người, cũng gian truân không kém. Có những ứng viên chúng tôi đã gửi offer chính thức và đã đồng ý, nhưng “bất thình lình” một tuần sau lại thông báo không muốn làm cho công ty chúng tôi nữa. Toàn thể hội đồng tuyển dụng đều ngỡ ngàng và bị rơi vào tình thế rất khó, bởi chúng tôi đã chính thức thông báo kết quả từ chối với các ứng viên tiềm năng khác. Thậm chí có ứng viên đi làm được 1 tuần rồi tự động xin nghỉ. Tôi không hiểu có vấn đề gì mà các bạn không thể ngồi lại để thảo luận và tìm ra hướng giải quyết, nhưng từ nay tôi sẽ đánh giá rất thấp các ứng viên bỏ cuộc “bất thình lình” cho dù vì lý do gì.

Mỗi công việc đều là một cơ hội để bạn phát triển bản thân và đánh dấu thành công trên con đường sự nghiệp. Do đó, tôi nghĩ các ứng viên cần chuẩn bị tư tưởng nghiêm túc hơn khi ứng tuyển, và đảm bảo cách hành xử cũng như những kỹ năng giao tiếp cơ bản. Nhà tuyển dụng chúng tôi thực sự muốn được công nhận các bạn dựa trên năng lực, và chúng tôi không muốn phải loại bỏ bạn chỉ vì những hành vi hoàn toàn có thể tránh được như trên.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét