Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

15 điều tuổi trẻ thường bỏ ngoài tai để rồi về già ân hận

Khi được hỏi điều gì những người 50 tuổi tâm đắc mà lứa 20 tuổi thường bỏ qua trên Quora - diễn đàn chia sẻ tri thức, nữ luật sư người Mỹ Phyl Bean đã có câu trả lời khiến nhiều người suy ngẫm và muốn lan truyền.
Dưới đây là một số bài học mà Phyl Bean rút ra được sau một nửa thế kỷ trải nghiệm cuộc sống, theo Inc:
1. Hãy tử tế. Lợi ích của sự tử tế - hay ít nhất là tỏ ra lịch thiệp - lớn hơn nhiều công sức bạn bỏ ra. Hãy làm việc tốt một cách ngẫu nhiên. Khen ngợi ai đó. Nếu người bán hàng hay nhân viên phục vụ mắc lỗi, hãy cảm thông và nhẫn nại. Người tử tế sống lâu hơn kẻ xấu tính.
2. Hiểu bản thân. Bạn là người hiểu chính mình hơn ai hết. Đừng để ý kiến của người khác chi phối việc mình làm, thứ mình mặc hay điều mình nói. Ý kiến của người ngoài chỉ để tham khảo, bạn có thể theo hoặc không.
3. Ai cũng có những lo lắng, bất an như bạn, chỉ là một số người che giấu giỏi hơn thôi. Điều đó không có nghĩa là họ thông minh hay giỏi giang hơn bạn.
4. Cười cho qua. Nếu bạn mắc lỗi, thất bại hay làm điều ngốc nghếch, chỉ cần cười xí xóa. Những người khác (và cả bạn) sẽ quên việc đó nhanh hơn nếu bạn không quá chú tâm tới nó. Hãy cho bản thân được thư thái. 
5. Đừng cố "hòa đồng". Hãy là chính mình. Tự tin tạo ra sự cuốn hút. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo tài giỏi sẽ chẳng đạt được những gì họ đang có nếu chỉ đi theo đám đông. 
6. Đừng cố níu giữ mối quan hệ tồi, kể cả vì con cáiThường, trẻ sống dưới mái nhà mà bố mẹ bất hạnh còn "nhiễm độc" nhiều hơn là khi hai người chia tay. 
7. Đồ vật chỉ là đồ vật. Chắc chắn đồ sẽ có lúc hỏng, vỡ và thường là do những người thân yêu gây ra. Việc đó thật khó chịu. Nhưng đồ vật có thể được thay thế. Bạn có thể sẽ chẳng bao giờ xóa được những lời gây tổn thương mình đã nói với những người yêu thương khi họ làm hỏng đồ. Đồ vật không bao giờ quan trọng bằng tình thân.
8. Có thể bạn thông minh hơn nhiều so với những gì tự đánh giá.
9. Đừng phán xét. Bạn không biết hết mọi việc. Người phụ nữ lao ra đường với đứa con ngồi sau xe chẳng được thắt đai an toàn có thể đang hoảng loạn và vội tới viện vì một ca cấp cứu mà bạn không hề biết. Đứa trẻ to xác nổi cơn ăn vạ giữa cửa hàng có thể mắc chứng tự kỷ và đang không thể kiểm soát được bản thân - điều mà nó cũng ghét chẳng khác gì bạn. Bà béo diện bộ bikini có thể đã giảm mấy chục cân và đang tự hào về những gì mình đạt được. Đừng chế giễu mọi người vì họ hút thuốc, uống rượu hay béo ục ịch. Tất cả chúng ta đều có những khiếm khuyết và thói quen xấu. 
10. Đừng bao giờ đánh mất đứa trẻ bên trong bạn. Nhảy múa, hát hò, kể những câu chuyện cười ngớ ngẩn. Trượt cầu, bật nhảy, nghịch trong nhà bóng (nếu cho phép người lớn tham gia). Đây là lợi thế khi lớn tuổi. Lúc bạn 20 tuổi, người ta thường nghĩ bạn "quá lớn" cho những trò trẻ con này nhưng một người tuổi 50 làm những điều đó lại có vẻ đáng yêu. Và kể cả khi người ta không thấy như vậy, hãy kệ họ. 
11. Đừng đưa ra các quyết định lớn chỉ để làm hài lòng người khác. Có thể bố mẹ kỳ vọng bạn vào đại học nhưng bạn chỉ muốn vào trường nghề và trở thành thợ sửa chữa ôtô bởi đó là niềm đam mê cháy bỏng. Hay có thể (như trường hợp của tôi), bố mẹ không muốn bạn vào đại học nhưng bạn lại thực sự muốn trở thành luật sư. Cuộc đời là của bạn. Thế giới cần các thợ sửa chữa tốt cũng như những luật sư giỏi. 
12. Đừng dằn vặt bản thân vì những lỗi lầm. Hãy làm những điều có thể để sửa chữa sai lầm, sau đó cho qua. Áy náy chỉ tốt khi thúc bạn về phía trước để làm những điều đúng đắn hơn. Hơn nữa, xấu hổ chỉ là chất độc ăn mòn bạn từ bên trong, cũng y như sự lo lắng vậy.
13. Tận hưởng cuộc sống. Đơn giản là dừng lại hít hà và thưởng thức những đóa hoa. Khám phá thế giới tuyệt diệu xung quanh. Mỉm cười với người lạ và xem bạn có thể nhận lại bao nhiêu nụ cười. Hãy vui vẻ. 
14. Cuộc đời trôi qua rất nhanh. Hãy sống mỗi ngày để đến điểm cuối bạn sẽ nhận ra cuộc đời kỳ diệu thế nào, không hối tiếc về những điều mình đã làm hay chưa làm. 
15. Cuộc đời đẹp hơn sau tuổi 50. 

Bài học về cách tiêu tiền tránh hoang phí

Mùa hè 2016, tôi làm nghiên cứu ở Đại học Edinburgh, Scotland. Rảnh rỗi, tôi đăng bài tuyển bạn trai với mục đích hài hước. Không ngờ, tôi nhận được email ứng tuyển từ một anh chàng chuyên gia tài chính. Ban đầu tôi định từ chối vì nghĩ có ở Scotland lâu dài đâu mà hẹn hò. Thế nhưng, mấy đứa bạn đọc email kêu rằng anh chàng này dễ thương quá, tôi không thể từ chối. Thế là tôi hẹn anh chàng ăn trưa như bạn bè.
Hôm đấy, tôi hỏi anh chàng về việc anh ứng dụng những gì mình học vào cuộc sống như thế nào, anh trả lời là nó giúp anh chuẩn bị một nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai. Anh nói, tiền đầu tư của anh mang về cho anh lợi nhuận 7,3% mỗi năm và mỗi tháng anh tiết kiệm 60% thu nhập. Nếu không có gì thay đổi, anh có thể về hưu trong vòng 7 năm tới.
Lúc đấy, tôi đã bị sốc toàn tập. Tôi chưa gặp ai có thể nói về tài chính cũng như tương lai của mình một cách cụ thể như vậy. Một phần do tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nơi việc chi tiêu được thực hiện dựa vào trực giác và thói quen hơn là khoa học. Một phần khác, tài chính là một điều nhạy cảm, chẳng ai thành công về mặt tài chính tự nhiên ngồi vạch ra cách họ chi tiêu thế nào để tôi học hỏi cả.
Sau buổi nói chuyện đó, tôi bắt đầu để ý hơn về kế hoạch tài chính của những người xung quanh. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra một bộ phận lớn sinh viên mới khoảng 19, 20 tuổi ở Stanford đã biết cách đầu tư, thậm chí đóng tiền vào quỹ lương hưu. Hai cậu hàng xóm của tôi đầu tư qua một robo-advisor (hệ thống quản lý các khoản đầu tư tự động, có cả chuyên gia và thuật toán giúp bạn phân bổ các khoản tiền đầu tư hợp lý nhất). Cô bạn thân của tôi mua cổ phiếu S&P 500 (cổ phiếu của 500 công ty có giá trị thị thường lớn nhất). Ai cũng có khoản tiết kiệm để mua chiếc xe đầu tiên, phòng lúc thất nghiệp hay bị ốm bất ngờ. Một số không nhỏ có kế hoạch cụ thể để về hưu ở một độ tuổi nào đó. Với họ, nghỉ hưu không phải vì họ lười làm việc, mà đó là cột mốc khi họ có đủ tiền để sống nốt quãng đời còn lại mà không phải làm việc vì tiền - có thể thoải mái làm những điều mình thích.
Nhận ra sự thiếu sót của bản thân, tôi lập tức đọc thêm sách về quản lý tài chính cũng như nhờ anh chàng chuyên gia tài chính kia tư vấn. Dưới đây là một số kinh nghiệm, kiến thức tôi thu thập được:
1. Không bao giờ quá sớm để nghĩ đến chuyện đầu tư
Đầu tiên, bạn phải hiểu rằng tiền mặt là tiền chết. Nếu chỉ giữ tiền mặt hay để trong tài khoản giao dịch ngân hàng, tiền sẽ dần dần mất giá. Điều này càng nguy hiểm hơn ở một quốc gia có lạm phát cao. 
Người ta vẫn nói, hãy để tiền của bạn làm việc cho bạn. Khi có tiền, dù ít, hãy bắt đầu nghĩ đến chuyện đầu tư để tiền có thể sinh lãi cho bạn.
Ngày xưa, tôi cứ nghĩ đầu tư là cái gì đó to tát lắm nhưng giờ tôi nhận ra rằng có nhiều cách để đầu tư lắm. Ở Mỹ, tôi có thể đầu tư một khoản nhỏ vài trăm đến vài ngàn đôla vào những cổ phiếu an toàn như blue-chip, S&P 500, hay sử dụng những hệ thống tư vấn tự động như Wealthfront, Betterment để họ lên danh mục đầu tư cho mình. Tôi không rõ lắm môi trường đầu tư ở Việt Nam nhưng tôi nghĩ mọi người có thể tìm hiểu về vàng, đất, chứng khoán, cũng như xin lời khuyên từ những người đi trước.
2. Có quỹ tiết kiệm cho lúc khẩn cấp
Khoản đầu tư nào hứa hẹn mang lại tiền lãi cao hơn cũng đồng nghĩa rủi ro lớn hơn. Nếu đầu tư hết tiền, chẳng may đúng lúc bạn cần tiền, giá các khoản đầu tư của bạn lại bị tụt thì bạn không trông vào đâu được. Trước khi mang tiền đi đầu tư, mình cần phải có một khoản tiền để phòng lúc những không may như khi ốm đau, tai nạn, mất trộm, thất nghiệp, hay chỉ đơn giản là muốn có thời gian theo đuổi đam mê của bản thân. Khoản tiền này nên gửi vào kênh an toàn như tài khoản tiết kiệm hay đổi sang những ngoại tệ mạnh như USD - tiền lãi rất thấp nhưng độ rủi ro hầu như là không có.
Các bạn Tây khuyên tôi, quỹ tiết kiệm nên bằng chi phí tối thiểu cho 6 tháng sinh sống. Ví dụ, nếu chi phí 5 triệu/tháng, khoản tiết kiệm sẽ là 30 triệu. Nếu bạn chưa có 30 triệu, hãy cố gắng góp nhặt để có đủ số tiền đó. Không bao giờ động vào khoản này, trừ khi bạn thực sự cần nó - đừng tự nhiên rút tiền tiết kiệm ra đi mua chiếc điện thoại xịn.
3. Bớt tiêu tiền vào những đồ xa xỉ
Tất cả những đồ gì không thực sự cần thiết đều là đồ xa xỉ. Một cốc rượu, một điếu thuốc, một lon nước ngọt cũng là đồ xa xỉ. Mua điện thoại đời mới nhất thay vì mua một chiếc điện thoại chỉ đủ xài là xa xỉ. 
Tôi nhận được một bài học về sự chi tiêu hoang phí từ những người bạn bên này. Phần lớn đó đều là con nhà khá giả. Những người đã đi làm rồi thì thường làm cho các công ty công nghệ ở thung lũng Silicon, một năm lương thưởng hơn 120.000 đôla (khoảng 2,7 tỷ đồng). Mỗi lần hẹn nhau đi ăn tối, các bạn chẳng bao giờ chọn quán ăn đắt tiền dù thừa tiền để trả cho bữa ăn tối đó. Hiếm khi lắm chúng tôi mới uống rượu bia vì đó được coi là thứ vừa đắt đỏ, vừa hại cho bản thân. Bạn tôi làm cho Google nhưng vẫn dùng một chiếc máy tính đã 5 năm.
4. Có ngân sách ăn tiêu cho từng khoản hàng tháng
Hàng tháng, tôi lên ngân sách sẽ tiêu bao nhiêu vào từng khoản nào. Ví dụ, tôi giới hạn tiền ăn nhà hàng của mình vào khoảng X đôla/tháng. Hết khoản đấy rồi, tôi sẽ phải chịu khó nấu ăn ở nhà. Tôi dùng thẻ cho hầu hết mọi giao dịch mua bán, ngân hàng tháng nào cũng tính cho tôi xem mình đã chi tiêu hết bao nhiêu vào những danh mục nào. Thỉnh thoảng, tôi sẽ nhìn lại bảng ngân sách đó để xem mình đã lãng phí ra sao. Cái này quan trọng lắm, vì có đợt tôi suốt ngày đi Uber, mỗi lần hết vài đô nên không để ý, nhưng đến cuối tháng xem tài khoản nhận ra mình tiêu đến hơn 400 đôla vào Uber. Sau đó tôi phải cẩn thận hơn về việc đi lại, chịu khó tìm lịch xe buýt, đạp xe nhiều hơn, và chỉ đi Uber khi thực sự cần thiết.
Ngân sách giúp tôi nhận ra rằng sau khi đã trừ đi những khoản cố định, số còn lại chẳng đáng là bao. Nó cũng giúp tôi lên kế hoạch tiết kiệm bao nhiêu phần trăm thu nhập. 
Một suy nghĩ khá nguy hiểm mà bản thân tôi hay mắc phải là cho rằng mấy đồng bạc lẻ chả đáng là bao. Những mấy đồng bạc đó khi gộp lại sẽ có giá trị rất lớn. Một ngày bạn uống bớt một cốc cà phê đi sẽ tiết kiệm 15 - 20 nghìn đồng. Một tháng, bạn tiết kiệm 450 - 600 nghìn đồng. Một năm, sẽ là 5 - 7 triệu. Bạn có thể góp số tiền đó vào quỹ tiết kiệm, mua tặng bố mẹ một món đồ gia dụng ý nghĩa, hay làm một chuyến đi du lịch ở đâu đó với người yêu.
5. Chỉ có con khi bạn đã sẵn sàng để nuôi con
Bạn bè của tôi ở Việt Nam cho rằng có con là điều tự nhiên, đến tuổi thì bố mẹ giục kết hôn rồi có con. Ở Mỹ, bạn bè tôi chỉ tính đến chuyện có con khi họ đã chắc chắn mình có đủ điều kiện kinh tế để nuôi con. Trước khi có con, họ sẽ dành cả năm trời để chuẩn bị tài chính nuôi thêm một miệng ăn.
Nuôi con là một khoản chi phí khổng lồ cả về mặt tài chính lẫn thời gian. Vợ chồng son khi mới bắt đầu cuộc sống của riêng mình, chưa có gì mà lại phải nuôi con sẽ rất dễ phải chịu áp lực tài chính. 
Nguyễn Huyền

Vì sao từ nhân viên trông kho, tôi được lên làm trưởng phòng quản lý 50 người

Để mưu sinh, tôi làm đủ nghề để sống, trong đó có làm nhân viên thời vụ tại một công ty kho vận nhỏ. Làm thời vụ lãnh lương theo tuần, ăn theo sản phẩm, lúc đó một tuần chỉ nhận được khoảng 800-900.000 đồng.
Có lẽ vì cơ duyên, tôi dần dần theo ngành kho vận. Từ một vị trí thời vụ, tôi trở thành nhân viên chính thức. Năm vừa mới ra trường cho đến nay, tôi đã có được vị trí trưởng phòng, trưởng bộ phận của một công ty nước ngoài lớn.
Có được ngày hôm nay, tôi nhận thấy bản thân đã cố gắng và học hỏi rất nhiều. Từ một người không có kinh nghiệm, không có bằng cấp chuyên ngành, tôi đã trở thành một người quản lý của gần 50 người.
Bước ngặt lớn nhất của cuộc đời tôi là vào năm 25 tuổi. Tôi được bước chân vào công ty hiện tại – một công ty nước ngoài lớn ở tại Việt Nam. Mặc dù lúc đó, tôi đã có kinh nghiệm về kho vận nhưng khi ở công ty lớn này, những kinh nghiệm đó vô cùng ít ỏi.
Tôi luôn có mặt ở công ty 6h sáng (quy định công ty là 8h mới làm việc) và ra về lúc 7, 8h tối. Từ một nhân viên nhỏ (có thể nói không quan trọng lắm) mà tôi từng bước phấn đấu đi lên bằng chính thực lực của mình.
Trong những cuộc họp lớn nhỏ, sếp đều bắt tôi tham gia cho ý kiến xây dựng. Lúc thì họp chiến lược, sản xuất, lúc thì training cho toàn bộ leader trong toàn quốc về quy trình. Tôi cũng phải xem báo cáo tình hình bán hàng và quyết định những con số cho nhà máy sản xuất.
Có thể tôi may mắn, được sếp người nước ngoài cho đi công tác tại các nhà máy sản xuất để học hỏi quy trình và vận hành các sản xuất. Dần dần sếp cho tôi tiếp xúc từng mảng một của hệ thống Supply Chain (quản lý chuỗi cung ứng) và điều quan trọng là tôi cực kỳ đam mê với mảng này.
Trong 3 năm tôi đã trở thành trưởng phòng, mặc dù trong nhóm có những anh chị kinh nghiệm làm việc nhiều hơn tôi, nhưng tôi lại được sếp tin tưởng và trọng dụng. Tôi thật sự cảm thấy những cố gắng của mình đã được đền đáp (mặc dù cũng bị các anh chị trong nhóm đố kỵ, ghen ghét).
Ngày được trở thành trường phòng, sếp tôi chỉ nói với tôi một câu đơn giản: "Trong tất cả các quản lý thì quản lý con người chính là khó nhất". Tôi nhận thấy cuộc đời này sẽ không bao giờ theo ý của mình. Tôi luôn tâm niệm cuộc đời "lên voi xuống chó" là chuyện bình thường, cho nên không cần phải buồn khổ.
Thay vì, khóc lóc thì bạn hãy xem lại, trong cái thất bại đó, mình đã học được những gì, đang thiếu sót cái gì và một điều quan trọng là hãy nên tự nhủ: Mọi cố gắng rồi sẽ được đền đáp.  
Tôi vẫn tự nhủ rằng, cuộc sống này vẫn luôn luôn thay đổi, vẫn phát triển, nếu mình không học hỏi, không tự thay đổi thì sẽ bị lùi lại. Vì thế, sau giờ làm việc tôi luôn tự học thêm ngoại ngữ.
Bởi sếp tôi là người nước ngoài, không nói tiếng Việt và tiếng Anh nhiều được nên tôi đang cố gắng học thêm ngôn ngữ của sếp (mặc dù công việc có phiên dịch). Nếu thành thạo được ngôn ngữ, tôi sẽ học thêm tiếng Nhật.
Trong thâm tâm tôi chưa bao giờ xem cái hành động bỏ thi tốt nghiệp ngày xưa là điều đúng đắn. Tôi xem đó là sự sai lầm của tuổi trẻ mà tôi mắc phải và cũng chưa từng xem nhẹ việc bằng cấp. Mặc dù khi tôi trúng tuyển ở công ty chỉ yêu cầu nộp các giấy tờ như sơ yếu lý lịch, giấy khám sức khỏe... chứ chưa hề yêu cầu nộp bằng cấp và lương bổng cũng chỉ thỏa thuận với nhau.
Nếu có thể làm lại, tôi sẽ không bỏ thi tốt nghiệp. Còn nếu không thể, chắc chắn tôi sẽ cố gắng đi học để có một cái bằng cấp. Tôi học không phải vì để đạt được vị trí cao hơn, không phải vì cho đẹp cái hồ sơ xin việc mà chỉ vì cho một điều gì đó mà tôi cảm thấy thiếu sót. Chắc chắn tôi sẽ cố gắng học tập cũng như đã và đang cố gắng trong công việc.
Đỗ Minh Trường

Chê lương 15 triệu và giờ thất nghiệp


Với ý chí vượt khó, tôi vừa làm vừa ôn thi đại học. Kết quả, tôi đã thi đậu vào một trường đại học dân lập (học vào buổi tối). Sáu năm sau, tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại khá và có kinh nghiệm làm việc cho khoảng 10 công ty.
Tôi có ngoại hình khá, ăn nói lưu loát nên hễ phỏng vấn là đạt yêu cầu ở hầu hết các công ty. Vì sự tự tin đó tôi tiếp tục nhảy việc với mong muốn mức thu nhập cao hơn, mặc dù  thật ra không có một chút kinh nghiệm thực sự nào. Bởi tôi nhảy việc quá nhiều, có công ty chỉ làm một tuần, có công ty làm được 2 tháng, 5 tháng, một năm... Với tôi chuyện nhảy việc đã trở nên quá bình thường. Vì tôi nghĩ không làm được ở đây thì xin chỗ khác.
Đến 25 tuổi, sau nhiều thăng trầm trong công việc, tôi xin được vào làm tại một tập đoàn đa quốc gia về lĩnh vực sơn và hóa chất lớn nhất thế giới. Tôi làm ở vị trí giám sát kinh doanh. Nhưng chỉ làm được 3 năm, tôi với sếp có xích mích. Vậy là tôi xin nghỉ việc.
Nhưng may mắn vẫn tiếp tục mỉm cười, tôi được một công ty sơn khác nhận vào làm với vị trí trưởng chi nhánh cho một khu vực với mức lương cơ bản là 15 triệu đồng/tháng. Tôi tưởng rằng sẽ an vị tại đây để xây dựng sự nghiệp, nhưng ngộ nhận về khả năng, tôi cho rằng mình đáng nhận được mức lương cao hơn thế. Tôi đã quyết định xin nghỉ sau 4 năm làm việc ở đây, để đi tìm một môi trường hoản hảo với mức thu nhập cao hơn.
Sau một tuần tìm việc, tôi vào làm tại một tập đoàn sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng lớn nhất thế giới với mức lương khởi điểm 15 triệu đồng/tháng. Tôi thấy đây thật sự là một môi trường tuyệt vời , từ sếp cho tới đồng nghiệp rất thân thiện và thương yêu nhau như anh em. Công ty có những chính sách và các chế độ ở tầm quốc tế, nhưng tôi phải làm việc ở khu vực miền Tây nam bộ, trong khi nhà tôi ở miền Đông.
Vì lý do đó, sau 2 tháng làm tôi lại nghỉ việc. Dù chính sách của công ty là có xe hơi khi đi công tác và ở đây mọi người cũng rất quý tôi, nhưng với căn bệnh "đứng núi này trong núi nọ" tôi nhất quyết nghỉ.
Giờ đây, tôi đã ngoài 32 tuổi, có vợ và một con, nhưng vẫn đang đi kiếm việc. Ngay chính lúc này tôi cảm thấy đau đớn nhất, ước gì tôi không đứng núi này trong núi nọ, ước gì tôi cố gắng chịu khó trước những khó khăn của công việc, ước gì tôi vẫn đang được làm ở những công ty trước đây và ước gì giờ đây tôi có một công việc.
Bây giờ tôi mới nhận ra không gì tốt hơn có một công việc ổn định, không gì hay hơn việc bạn vượt qua được những áp lực của nghề nghiệp, không gì tốt hơn bạn biết quý trọng những gì bạn đang có.
Hãy tự chấp nhận những khó khăn của mình, dũng cảm đối diện để vượt qua nó và đừng bao giờ đứng núi này trông núi nọ. Nếu không bạn cũng sẽ như tôi hiện nay.
Những bạn trẻ nào trước đây hay hiện tại giống tôi, thì tôi chỉ có một số lời khuyên: Chúng ta hãy nhìn lại công việc mình đang làm, thật sự nó rất đáng quý, hãy cố rắng làm tốt hơn, công ty sẽ không bạc đãi bạn đâu nếu bạn đang thật sự cố gắng.
Hãy nhìn nhận khách quan về khả năng của mình so với những công việc mình đang làm. Hãy đóng góp hết mình cho công ty hiện tại bạn sẽ thấy con đường thăng tiến tại đây rộng thênh thang. Bởi không có môi trường làm việc nào hoàn hảo, chỉ có bản thân mình không hoàn hảo với môi trường mà thôi.
Thứ hai, nhảy việc không phải là con đường tốt giúp bạn thăng tiến, mà là con đường dẫn bạn đến sự dối trá trong nghề nghiệp và với nhà tuyển dụng. Chúng ta đừng nghĩ rằng làm bên kia sẽ tốt hơn mà hãy nghĩ là mình phải làm gì để tốt hơn bên kia. Đừng lúc nào cũng nghĩ rằng bạn còn trẻ và còn nhiều cơ hội, vì cơ hội không thể đến hoài với bản thân bạn.

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

30 tuổi chưa làm Manager là thất bại?

Tuổi 30 chưa làm manager, vẫn chịu làm dưới trướng các em sếp trẻ mới 26, 27 tuổi nếu không gọi là đã thất bại thì cũng chỉ là những cách nói khác đi để du ngủ chính mình. Những lời khuyên dưới đây mỗi chúng ta nên cố gắng làm trước khi sang tuổi 30 nhé.
Biết cách tự tạo động lực làm việc cho chính mình
Duy trì được lòng nhiệt huyết trong công việc. Thông thường khi mới nhận một vị trí công việc chúng ta rất nhiệt tình, khi chúng ta có thể làm được tốt công việc được giao thì cũng chính là lúc chúng ta bắt đầu cảm thấy nhàm chán công việc hiện tại. "Có trí thì làm quan, có gan thì làm giầu" người thất bại là người thường đưa ra quyết định bỏ cuộc để đi tìm cảm hứng ở công việc khác để rồi không ít lâu sau họ lại rơi vào tình cảnh tương tự. Vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại và bạn chỉ cần nhảy việc vài ba lần như vậy là đã vượt qua tuổi 30. Vì vậy hãy khôn ngoan và tỉnh táo để vượt qua cái thời khắc đưa ta từ vị trí hiện tại lên vị trí cao hơn trên con đường sự nghiệp.
Chúng ta sẽ nhận được những thứ tương xứng với những gì chúng ta đã đang làm được. Hoàn thành trách nhiệm của mình ở vị trí việc làm hiện tại sẽ chỉ để giữ được vị trí việc làm hiện tại. Nếu chúng ta muốn thu nhập cao hơn, tiến xa hơn vị trí hiện tại của mình thì chúng ta phải làm được nhiều hơn. Hãy chủ động đề xuất với sếp của bạn để được nhận thêm trách nhiệm, thêm đầu việc hoặc gánh vác những công việc đòi hỏi năng lực cao hơn. Liên tục như vậy sau một thời gian tích lũy sẽ đủ đưa bạn từ vị trí thấp lên vị trí cao hơn.

Không ngừng học hỏi

Đối với dân văn phòng chúng ta, việc đến lớp và học những kiến thức mới nghe có vẻ xa xỉ. Vì ngoài thời gian tại công sở, cuối tuần dành cho gia đình thì lấy đâu ra thời gian nữa mà đi học.  Chưa kể, trở ngại tuổi tác cũng là một phần khiến con đường học hành bị gián đoạn.
Việc đầu tư vào bản thân chưa bao giờ là hoang phí. Hãy trang bị ngay cho mình một ngôn ngữ mới, kỹ năng mới, học cách nấu ăn, chơi nhạc cụ … bất cứ thứ gì bạn muốn và cảm thấy hứng thú. Biết đâu mai sau, chính những kỹ năng này sẽ giúp bạn thăng tiến trong công việc.

Nhớ chăm sóc bản thân

Dân văn phòng hiện đại là phải biết chăm sóc bản thân. Không cần những thực đơn ăn uống vô cùng phức tạp, cũng không cần đến những chiếc thẻ phòng tập đắc tiền. Chỉ cần các bạn làm theo quy tắc “3 Chăm” này, đảm bảo da dẻ, sức khỏe của bạn luôn trong tình trạng tươi tốt.
  • Chăm ăn, chăm uống: Nghe có vẻ đơn giản thế nhưng không phải ai cũng làm được. Thực tế, cơ thể chúng ta cần ít nhất 2 lít nước vào mỗi ngày. Chưa kể, dân văn phòng thường bỏ bữa sáng, bữa trưa ăn trễ và đây là một thói quen vô cùng xấu cần phải loại bỏ. Vậy nên, chúng ta nên đặt hẹn giờ trên điện thoại, google lịch, outlook, trello, hoặc viết ra giấy note để tự nhắc nhở mình uống nước đầy, ăn điều độ.

  • Chăm tập thể dục: Dân văn phòng chúng ta thường có thói quen cứ hễ đặt “mông” xuống là ngồi dính ngay một chỗ. Thế nhưng, việc ngồi lì hàng giờ liền là nguyên nhân khiến cơ thể luôn trong tình trạng biểu tình, chống đối. Đơn giản một vài động tác tại văn phòng sẽ giúp cải thiện sức khỏe ngay. Thay vì bạn nhắn tin cho đồng nghiệp làm một việc gì đó, hãy nhấc “mông” lên và đi. Bạn cũng có thể tập một số động tác cơ bản như xoay người, đứng lên ngồi xuống, nhìn tập trung vào một vật cách xa 2m để thư giãn mắt.

  • Chăm nghe nhạc: Mỗi sáng trước khi bắt đầu làm việc, chúng ta thường nghe nhạc để khởi động ngày mới. Không chỉ vậy, vào những lúc đầu óc căng thẳng do áp lực công việc, nhạc cũng là liều thuốc tuyệt vời giúp chúng ta giải tỏa đấy nhé. 

Dành thời gian cho các mối quan hệ

Bạn bè chúng ta thường nói đùa “thành công không đi đôi với mối quan hệ”, cụ thể như gia đình, bạn bè, người thân… vì hầu hết thời gian chúng ta đều dành cho công việc. Sáng cho tới tận tối, trong tuần lẫn cuối tuần. Cứ thế chúng ta vô tình đánh rơi những mối quan hệ của chính bản thân mình.
Không nói đâu xa, nếu bạn đã từng là người “ham công, tiếc việc”. Vậy là những mối quan hệ trước đây của bạn bị trôi vào dĩ vãng. Nhiều khi đến cuối tuần, bạn muốn đi xem phim, la cà ở các hàng quán cùng với bạn bè, người thân. Thế nhưng, lục tung danh bạ điện thoại lên thì cũng không tìm nổi một người để đi chung. Lắm lúc bạn lại suy nghĩ đây có phải là thành công mà mình mong muốn. Sự nghiệp vẫn chưa khởi sắc lắm, nhưng suy xét về gốc độ mối quan hệ thì bạn đã thất bại.
Vậy mới nói, những giá trị vật chất không thể nào đặt ngang hàng với những giá trị của các mối quan hệ đem lại. Đừng để mất bò, chúng ta mới lo làm chuồng. Vậy nên dù bạn có bận cỡ nào đi chăng nữa, một vài cú điện thoại gọi về cho gia đình, người thân, một vài dòng tin nhắn hỏi thăm bạn bè cũng đủ giúp bạn “vun đắp” cho những mối quan hệ này. 


Cách sống chung khi sếp giống như “mẹ chồng”

Mối quan hệ giữa sếp và nhân viên có thể ví như “mẹ chồng-nàng dâu”, loại mối quan hệ với nhiều mâu thuẫn khó giải quyết là vấn đề muôn thuở giữa người quản lý và người bị quản lý. Nếu bạn đang bị rới vào tình cảnh mâu thuẫn và bức xúc với sếp thì các cách dưới đây sẽ giúp bạn vượt qua được những khó khắn trong công việc.

1.     Luôn trong tình thế “dậm chân tại chỗ”
Là nhân viên có năng lực, gắn bó và toàn tâm toàn trí với công ty trên 3 năm nhưng bạn không bao giờ được đề xuất thăng tiến hay khen thưởng trong khi đồng nghiệp thì lên chức vèo vèo. Không còn nghi ngờ gì nữa, bạn đã nằm trong “danh sách đen” của sếp rồi!
Lời khuyên cho bạn: Hãy khéo léo hỏi sếp xem bạn cần những yếu tố nào để thoát khỏi tình trạng “dậm chân tại chỗ” này. Thật ra, một người sếp “bình thường” sẽ thẳng thắn nói bạn nghe đâu là điều họ muốn nhân viên đáp ứng. Nhưng nếu sếp cứ lảng tránh dù bạn đã tìm mọi cách tiếp cận thì e rằng tình trạng của bạn giờ đây đã trở nên khó cứu vãn. Hãy “vui vẻ ra đi” để tìm cơ hội nghề nghiệp mới cho mình ngay!
2.  Bị kiểm soát trong mọi việc
Bất kể là công việc gì, cấp trên luôn tìm cách kiểm soát bạn thật chặt chẽ. Bởi vì họ không cảm thấy đủ tin tưởng ở bạn, hoặc bạn nghĩ sếp muốn giám sát để tìm ra từng lỗi của bạn nhằm chỉ trích.
Lời khuyên cho bạn: Trước hết, hãy nhìn lại bản thân mình, nếu có thể, hãy hỏi sếp xem, bạn đã làm gì khiến cấp trên cảm thấy không thể tin tưởng, sau đó tìm cách sửa chữa lỗi lầm và hoàn thiện bản thân. Ngoài ra, bạn nên đề xuất với sếp về lịch trình nộp báo cáo hay có deadline cụ thể để họ không phải bám sát bạn từng li từng tí.
3.     Liên tục bị chê vô tội vạ
Bất cứ nhân viên nào cũng có lúc phải nghe lãnh đạo chỉ trích. Tuy nhiên, nếu bạn đã cố gắng nhưng vẫn liên tục đối mặt với điều này, nó cho thấy mối quan hệ của bạn và cấp trên đang thật sự “có vấn đề”.
Lời khuyên cho bạn: Trong công việc, bạn nên hỏi ý kiến sếp trước khi bắt tay thực hiện để kết quả phù hợp với mong muốn của cấp trên. Ngoài ra, bạn cũng cần trực tiếp trao đổi với sếp và lắng nghe chia sẻ của họ về thực lực của bản thân, sau đó tìm cho mình hướng cải thiện tốt nhất để cấp trên phải “mắt chữ A, mồm chữ O” nhé!

4.     Chờ hoài không thấy phản hồi
Từ khi bắt đầu làm việc tới nay, bạn đã được sếp nhận xét công việc bao nhiêu lần rồi? Dù bạn có tự tin mình làm mọi việc suôn sẻ, hay e dè vì vài lần “cẩu thả” trong công việc, nhưng số lần được khen hoặc chê tính trên đầu ngón tay. Vâng, bạn đã “dính chưởng”!
Lời khuyên cho bạn: Vui Vẻ nghĩ rằng bạn nên gặp trực tiếp cấp trên và xin phản hồi một cách khéo léo nhất. Trước khi mở lời đề nghị sếp góp ý thì hãy cho họ thấy bạn thật sự muốn biết hiệu quả công việc của mình nhằm tìm ra phương án cải thiện, rút kinh nghiệm và làm tốt hơn ở lần sau nhé!

5.     Là “người vô hình” trong mắt sếp
Bạn thường xuyên bị từ chối cuộc hẹn với sếp. Bạn gửi email, chủ động liên lạc,…nhưng chẳng thấy phản hồi. Vì đối với sếp, có lẽ bạn không phải là người quan trọng đâu.
Lời khuyên cho bạn: Dạo một vòng điều tra xem đồng nghiệp của bạn có rơi vào tình cảnh này không nào. Nếu ai cũng như bạn, hãy thông cảm cho cấp trên. Nếu không, hãy tự “phủ sóng” bằng việc bắt chuyện với  sếp về công việc, hỏi thăm sức khỏe,…với tần suất dày đặc để cả hai trở nên gần gũi hơn. Đồng thời, khi bị từ chối cuộc hẹn, hãy tìm cấp trên vào ngày hôm sau và bày tỏ mong muốn được chia sẻ với họ bằng một thần thái thân thiện hết mức có thể bạn nha!
6.     Luôn bị bỏ rơi trong các cuộc gặp quan trọng
Ai đã từng trải qua chuyện là người duy nhất bị sếp “bỏ rơi”, phải nói không nỗi đau nào như nỗi đau này. Bạn hãy thử nghĩ xem, một công việc được giao cho nhóm thực hiện và sếp gọi tất cả mọi người (trừ bạn) để bàn công việc. Đây là ý gì khác ngoài việc đang cố ý gạt mình ra đấy chứ?
Lời khuyên cho bạn: Đừng im lặng chấp nhận chuyện này vì người thiệt thòi chỉ là bạn thôi. Hãy nói cho sếp biết hậu quả sẽ ra sao nếu bạn không được tham gia các buổi họp quan trọng và thể hiện rằng bạn muốn hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Trong trường hợp này, dễ dàng nhận ra sếp của bạn thật sự có lỗi nếu như kết quả công việc nhóm bạn không thuận lợi. Việc bạn nhường nhịn cho qua chỉ góp phần khiến cấp trên “được nước làm tới” mà thôi.
7.     Nghỉ việc? Đó là chuyện của bạn!
Các sếp luôn muốn tìm cách giữ chân nhân viên mà họ đánh giá cao. Ngược lại, với nhân viên mà họ không thích hoặc không quan tâm, việc bạn đề xuất nghỉ việc giống như cơ hội cho họ được sa thải người mà mình không thích vậy.
Lời khuyên cho bạn: Phải thừa nhận, dù bạn có là thiên tài đi chăng nữa thì khi đã là nhân viên, dưới trướng của một cấp trên đang đóng vai “mẹ chồng” thì bạn sẽ không thể nào thăng tiến. Vậy tiếp tục làm việc ở đây để làm gì thế bạn ơi? Mong chờ sếp sẽ thay đổi? Đó là chuyện khó xảy ra! Do đó hãy nhanh chóng tìm nơi làm việc khác đi nào, bạn đã chịu khổ quá nhiều rồi!

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Sự yên tĩnh giúp tế bào não tái sinh, khai trí và giảm áp lực

Nhịp sống hối hả làm chúng ta dần quen với đủ loại tiếng ồn không ngưng nghỉ suốt đêm ngày. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Sự yên tĩnh đúng là vàng!

Năm 2011, Cục du lịch Phần Lan đã tiến hành một chương trình marketing trong đó sử dụng sự tĩnh lặng như là một lợi thế để thu hút du khách đến trải nghiệm cái đẹp tại đất nước này. Họ đã đăng tải một loạt hình ảnh về sự yên tĩnh của con người trong khung cảnh thiên nhiên, đồng thời còn sử dụng thông điệp “Xin hãy giữ yên tĩnh”. Cố vấn thương hiệu quốc tế Simon Anholt còn thêm vào một câu khẩu hiệu: “Đừng nói, hãy hành động”. 
Khi thế giới càng lúc càng ồn ào, thì sự yên tĩnh đã trở nên có sức thu hút hơn cả, những nơi yên tĩnh cũng được nhiều người săn đón hơn. Có thể nói việc lựa chọn những nơi tĩnh lặng là rất thông minh, nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự yên tĩnh có ích đối với não bộ hơn chúng ta nghĩ.

Yên tĩnh thúc đẩy tế bào não tái sinh và biệt hóa thành nơ-ron

Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Brain, Structure and Function  (TD: Cấu trúc và chức năng của não) vào năm 2013 đã theo dõi tác động của tiếng ồn và sự yên tĩnh đối với não của chuột bạch. Ban đầu sự yên tĩnh được dùng để làm mẫu đối chứng, nhưng người ta lại kinh ngạc phát hiện rằng nếu mỗi ngày chuột không nghe thấy âm thanh trong 2 tiếng thì ở hồi hải mã trong não của chúng sẽ xuất hiện tế bào mới. Hồi hải mã là nơi có liên quan đến trí nhớ, tình cảm và khả năng học hỏi của não.
Sự sản sinh tế bài mới trong não không hẳn là luôn có lợi. Nhưng nhà nghiên cứu Imke Kirste cho biết, “Chúng tôi phát hiện ra rằng sự yên tĩnh thật sự có thể hỗ trợ tế bài mới sản sinh biệt hóa thành nơ-ron cũng như phối hợp với hệ thống.” Từ ý nghĩa này, sự yên tĩnh thật sự tốt cho não.

Trong yên tĩnh não bộ tích cực tiếp thu và lưu trữ thông tin 

Một nghiên cứu vào năm 2001 đã cho thấy dù não đang “nghỉ ngơi” nhưng thực ra nó vẫn đang tích cực làm việc, tiếp thu và lưu trữ thông tin một cách rất tích cực.
Khi không bị phân tâm bởi tiếng ồn hay hoạt động, sự im lặng sẽ giúp não bộ xử lý nhanh các thông tin đã được tiếp nhận. Hơn nữa, trong quá trình im lặng, con người cũng sẽ phát triển được tư duy tưởng tượng và suy nghĩ theo chiều hướng sâu sắc hơn.
Trong khi đó, tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình nhận thức, làm suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung của con người.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trẻ em học tập hay sinh sống trong môi trường nhiều tiếng ồn đều phát triển chậm hơn về kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức. Vì vậy các bậc cha mẹ nên tạo môi trường và không gian yên tĩnh cho trẻ khôi phục và cải thiện những kỹ năng này.

Giảm căng thẳng và mệt mỏi

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tiếng ồn có tác động sinh lý rõ ràng đối với não bộ của chúng ta, chúng có thể dẫn đến tăng mức hormone căng thẳng. Sóng âm đi qua tai truyền đến não bằng hình thức tín hiệu điện tử. Dù trong lúc ngủ, cơ thể cũng sẽ phản ứng đối với những tín hiệu này. Hạch hạnh nhân (nằm ở thùy thái dương) có liên quan đến sự hình thành ký ức và tình cảm, khi bị kích hoạt sẽ khiến cơ thể tiết ra hormone căng thẳng. Nếu môi trường sống luôn ồn ào thì hormone căng thẳng của bạn sẽ luôn cao.
Một nghiên cứu được đăng trên tờ Psychological Science năm 2002 đã khảo sát tác động của việc di dời sân bay Munich đối với sức khỏe và trí tuệ của trẻ em. GS. Gary W.Evans, Đại học Cornell chỉ ra rằng những đứa trẻ tiếp xúc với tiếng ồn sẽ sinh ra những phản ứng chấp nhận có thể giúp trẻ bỏ qua tiếng ồn. Điều thú vị là những đứa trẻ này không chỉ bỏ qua những sự kích thích có hại mà cũng bỏ qua những sự kích thích cần chú ý đến (ví dụ như tiếng nói).
GS. Evans viết: “Nghiên cứu này là chứng cứ mạnh mẽ nhất và có lẽ là rõ ràng nhất cho thấy, những tiếng ồn không có hại cho thính lực cũng sẽ gây ra áp lực có hại đối với chúng ta.” Còn hiệu quả của sự yên tĩnh đối với não lại gần như hoàn toàn tương phản với tiếng ồn: Sự yên tĩnh có thể giải phóng sự căng thẳng về tinh thần và thể xác.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Heart đã nhận ra rằng sự yên tĩnh trong hai phút có thể giúp chúng ta thư giãn hơn là nghe nhạc “nhẹ nhàng”, những gì quan sát được là sự thay đổi đối với huyết áp và tuần hoàn máu não.

Sự yên tĩnh giúp bổ sung tài nguyên trí tuệ

Đã có rất nhiều những cuộc nghiên cứu về khả năng tác động của sự ô nhiễm tiếng ồn đến khả năng nhận thức. Kết luận có được là tiếng ồn sẽ tác động đến công việc và học tập cũng như có thể khiến chúng ta không đủ động lực, xảy ra nhiều sai lầm hơn. Hiệu suất chịu sự quấy nhiễu nhất từ tiếng ồn là khả năng chú ý khi đọc, trí nhớ và năng lực giải quyết vấn đề.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng những đứa trẻ có nhà hoặc lớp học ở gần sân bay, đường ray xe lửa hoặc đường cao tốc sẽ có điểm môn đọc khá thấp, trí tuệ và kỹ năng ngôn ngữ phát triển khá chậm.
Tin tốt đó là ở trong môi trường có âm thanh khá thấp thì não có thể “phục hồi” lại khả năng trí tuệ. Trong môi trường yên tĩnh, não sẽ thả lỏng ý thức tự vệ, tìm lại sự “tổn thất” do âm thanh mang đến.
Như vậy có thể thấy rằng, có lẽ chúng ta nên lên kế hoạch đi du lịch Phần Lan, ở đó bạn có thể tìm thấy sự yên tĩnh có ích cho não bộ. Nếu Phần Lan quá xa thì bạn cũng có thể tìm một nơi yên tĩnh để đi dạo một mình, có lẽ cách này sẽ đưa bạn và bộ não bước vào một thế giới tốt đẹp hơn.